Theo thông cao phát đi ngày 8/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả Chính phủ và Bộ không có chủ trương thay đổi chữ viết tiếng Việt.

Tác phẩm “Chữ Việt Nam song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm, đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền.

Tác phẩm này được tác giả nghiên cứu trong 27 năm, là bộ chữ Việt chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh. Một số phụ âm và nguyên âm cùng một số vần ghép đã được quy ước lại để tạo ra một chữ viết nhanh như ‘f’ thay cho ‘ph’, ‘w’ thay cho ‘ng’ và ‘ngh’, ‘uyêt’ thay bằng ‘yd’, ‘yêt’ thay bằng “id”.

Bộ chữ cũng sử dụng 18 chữ cái La-tinh để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ, ví dụ ‘j’ thay dấu sắc, ‘l’ thay dấu huyền, ‘z’ thay dấu hỏi’, ‘s’ thay dấu ngã, ‘r’ thay dấu nặng.

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được viết theo Chữ Việt Nam song song 4.0. Ảnh: Bách Hợp.

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được viết theo “Chữ Việt Nam song song 4.0”. Ảnh: Bách Hợp.

Nhóm tác giả cho rằng “Chữ Việt Nam song song 4.0” có tính ứng dụng cao khi gõ máy tính và nhắn tin SMS qua điện thoại di động, giúp tránh gây hiểu nhầm và tạo sự thống nhất cho chữ không dấu. Ngoài ra, đây là công cụ viết nhanh, tiết kiệm được nhiều thời gian. Nhóm tác giả khẳng định đây chỉ là công trình chữ viết song song, không phải công trình thay thế chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, nó vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận.

Trước đó cuối năm 2017, PGS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, đề xuất cải tiến chữ viết. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng để đưa một đề xuất liên quan đến cải tiến chữ viết ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất kỳ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia.

Xuân Hoa