Thay vì thực hiện nghiên cứu khoa học để tốt nghiệp, Corin đang tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại Bệnh viện Montefiore, thành phố New York. Hai tuần trước, anh nhận được email tuyển tình nguyện viên chống dịch. “Ban đầu, tôi cảm thấy hoảng sợ. Email cho thấy tình hình thành phố đang khó khăn, thiếu nhân viên y tế”, Corin nói.

Corin kể dù là bác sĩ, bố của anh phản đối quyết định tham gia tình nguyện của con trai. “Bố tôi đã làm việc nhiều năm trong nghề y nhưng ông chưa thấy dịch bệnh nào như vậy. Ông thấy số lượng thanh niên nhiễm bệnh tăng cao còn tôi lại đi vào tâm dịch”, anh nói.

Corin Kinkhabwala hiện đang điều trị cho bệnh nhân nCoV tại bệnh viện Montefiore, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Stefano Giovannini.

Corin Kinkhabwala hiện đang điều trị cho bệnh nhân nCoV tại bệnh viện Montefiore, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Stefano Giovannini.

Nhớ lại ngày đầu nhận việc, Corin vẫn cảm thấy sợ hãi vì “chưa từng có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh này”. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, anh đã thôi lo lắng, tập trung vào công việc trước mắt và học hỏi kinh nghiệm từ nhân viên y tế.

Làm việc 12 giờ mỗi ngày, Corin nhận xét bệnh viện luôn ở trong tình trạng hỗn loạn. Nhiều bệnh nhân đang ở trạng thái ổn định nhưng sức khỏe đột ngột suy giảm. Một số không qua khỏi.

“Có lần chỉ trong một tiếng, chúng tôi phải điều trị cho bệnh nhân nguy kịch. Mọi người hết sức hoảng loạn và không biết làm gì hơn là cứu càng nhiều người càng tốt”, Corin nói. Tuy nhiên, anh nhận xét vẫn có những ánh sáng le lói. Nhiều người tưởng chừng không thể qua khỏi đã vượt qua và hồi phục.

Giờ đây, khẩu trang đã trở thành món đồ quý giá đối với nhân viên y tế tại bệnh viện. Corin đã sử dụng một chiếc mặt nạ N95 trong nhiều ngày và không biết tình hình sẽ kéo dài đến bao giờ.

“Chúng tôi cố gắng để không bị lây nhiễm nhưng vẫn lo ngại mình đã sơ suất. Tôi sợ virus có thể nằm trên bàn chải đánh răng của mình nhưng việc duy nhất có thể làm là chấp nhận và kiên trì làm việc”, Corin nói.

Ngày 4/4, Thống đốc New York Andrew Cuomo ký quyết định cho sinh viên năm cuối ngành y tại các trường đại học trên địa bàn tốt nghiệp sớm. Các khóa học, kỳ thi, lễ tốt nghiệp bị hủy bỏ, thay vào đó tân cử nhân được điều động đến bệnh viện địa phương để hỗ trợ nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.

Theo học chuyên ngành Tiết niệu tại Trường Y khoa Columbia, Randy Casals vẫn đăng ký tham gia chống dịch dù “không có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm”. Các khóa học của Randy đã phải hủy bỏ, lễ tốt nghiệp vào tháng 5 dự kiến sẽ được tổ chức trực tuyến.

“Tôi không muốn ngồi nhà xem phim, tận hưởng thời gian nghỉ trong khi tôi có kỹ năng để giúp đỡ nhân viên y tế và các bệnh viện đang thiếu nguồn nhân lực”, anh nói.

Khóa học của Randy Casals đã phải hủy bỏ vì Covid-19. Ảnh: Stefano Giovannini.

Khóa học của Randy Casals đã phải hủy bỏ vì Covid-19. Ảnh: Stefano Giovannini.

Katleen Lozada, 30 tuổi, sinh viên Trường Y khoa Icahn, thành phố New York, dự kiến làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Mount Sinai từ tháng 7, sau khi tốt nghiệp. Nhưng hiện tại, cô cảm thấy háo hức đan xen lo lắng khi được giao nhiệm vụ liên lạc với gia đình bệnh nhân nhiễm nCoV.

“Đọc tin Italy cho sinh viên ngành y tốt nghiệp sớm, tôi biết nước Mỹ cũng sẽ sớm đưa ra quyết định tương tự để bảo vệ mình”, Katleen nói.

Khi nhận được lời kêu gọi tình nguyện, Katleen e ngại không được trang bị đồ bảo hộ vì tình trạng khan hiếm nhưng sau đó tin tưởng rằng “bệnh viện sẽ bảo vệ an toàn cho tất cả mọi người”.

Làm việc tại Bệnh viện Bellevue, New York, Gabrielle Mayer, sinh viên khoa Y Đại học New York, lo lắng về tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và đồ bảo hộ. “Hiện tại bệnh viện đã cung cấp thiết bị bảo hộ nhưng mọi việc đều có rủi ro nên y bác sĩ luôn phải giương cao cảnh giác”, cô nói và cho hay dù lo lắng, bố mẹ cô vẫn ủng hộ quyết định của mình.

Đến ngày 9/4, Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh, 88.000 người chết. Mỹ ghi nhận 435.167 ca nhiễm nCoV, trong đó 14.797 người tử vong, là vùng dịch lớn nhất thế giới. New York đang là tâm dịch của nước Mỹ với 149.316 ca nhiễm, 6.268 người chết.

Tú Anh (Theo NY Post)