Cô Ngọc hốt hoảng, tưởng máy bị hỏng mà không biết ứng dụng Zoom chỉ cho học miễn phí trong 40 phút, sau đó phải đăng nhập lại. Do hai con trai lớn đi làm xa, chồng không thạo công nghệ, cô Ngọc phải gọi điện “cầu cứu” đồng nghiệp.
Đồng nghiệp hướng dẫn cô Ngọc vào lại theo tên đăng nhập và mật khẩu cũ. Sau 1-2 lần gặp lỗi như vậy, cô Ngọc dặn học trò “khi nào cô thoát đột ngột và chưa kết thúc bài giảng, các em coi đó là thời gian giải lao”.
Ở nông thôn, trường cô Ngọc mới triển khai dạy online từ giữa tháng 3, nhiều giáo viên chưa thành thạo công nghệ phải mang máy tính đến trường, nhờ thầy giáo kỹ thuật cài giúp phần mềm, tạo tài khoản và hướng dẫn sử dụng. “Những người ngoài 40 tuổi như tôi trước nay ít tiếp cận công nghệ nên cứ ù ù cạc cạc, loay hoay cả tiếng mà chưa nhớ thao tác”, cô Ngọc chia sẻ.
Trong lúc dạy, cô giáo thâm niên 25 năm thường lúng túng khi gửi bài tập cho học sinh. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành phần giảng lý thuyết, cần cho học trò đọc và làm bài tập, cô không biết cách đưa bài tập lên thế nào.
Cô Ngọc lo việc lúng túng sử dụng phần mềm khiến học sinh chán, không muốn học online. Tuy nhiên, cô được học trò động viên sẽ hỗ trợ hết mình, có em gần nhà còn xung phong qua hướng dẫn. Sau hai tuần học, cô Ngọc đã có thể dạy học trơn tru, không cần nhờ trợ giúp của đồng nghiệp và học sinh.
Cô Nguyễn Quỳnh Hoa, 49 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của một trường tiểu học tại Hà Nội, được con gái là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hỗ trợ việc dạy online. Từ việc cài đặt phần mềm, đăng nhập và xử lý tình huống phát sinh, cô Hoa đều nhờ con, còn mình chỉ đảm nhiệm việc giảng bài.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào con gái cũng khiến cô không ít phen loay hoay. Có lần cô giáo phải thông báo lùi lịch học một tiếng, đợi con gái về mở giúp mới bắt đầu bài giảng. “Vì có tuổi, tôi không nhớ được hết các thao tác trong thời gian ngắn. Nhờ con nhiều quá cũng không ổn nên tôi bảo cháu dạy mình dần dần. Giờ tôi cũng tự vào được lớp học online rồi dù hơi chậm”, cô Hoa nói.
Giống như cô Hoa, nhiều giáo viên luống tuổi rất ngại khi đụng tới công nghệ, các ứng dụng. Thầy Vũ Tuân, 52 tuổi, giáo viên một Trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP HCM, chỉ sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, gửi email khi cần. Ngoài ra, thầy giáo không sử dụng Facebook, Zalo, dùng điện thoại đời cũ, không biết đến các ứng dụng dạy học online.
Cuối tháng 3, trung tâm triển khai dạy onilne, thầy giáo đôn đáo nhờ đồng nghiệp trẻ cài giúp phần mềm, tập huấn cách sử dụng. Vừa dạy, thầy vừa hỏi học trò cách đưa file bài giảng lên thế nào, cách chỉnh âm thanh lớn ra sao. Có lần vừa vào lớp được ít phút, máy tính rớt mạng khiến thầy loay hoay không biết đăng nhập lại, đành phải gọi lớp trưởng thông báo hoãn tiết học.
“May là học trò thông cảm thầy giáo già nên chẳng trách mà còn hướng dẫn nhiệt tình. Sau đợt này tôi phải học công nghệ mới để không bị lạc hậu nữa”, thầy nói.
Là giáo viên trẻ, giỏi công nghệ, cô Nguyễn Thị Như Huyền, giáo viên Toán trường THCS Quang Trung (huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) dạy học online trơn tru, nhưng lại gặp khó trong việc tập hợp học sinh, duy trì ổn định lớp học.
Cô Huyền phụ trách Toán hai lớp 6, mỗi lớp hơn 40 em. Giữa tháng 2, khi xác định học trò phải nghỉ dài ngày tránh dịch, cô giáo chủ động liên hệ với phụ huynh, thành lập nhóm chat trên Zalo để cùng bàn chuyện học online.
Cô giáo hướng dẫn phụ huynh cài Microsoft Teams, đề nghị bố mẹ nhắc nhở con em học đúng giờ, tập trung. Nhưng hai tuần đầu tiên, mỗi lớp chưa tới 10 em tham gia, số còn lại không vào lớp vì nhiều lý do: nhà không có máy tính hoặc điện thoại thông minh, không biết cách cài đặt ứng dụng, ham chơi …
Cô Huyền thành lập nhóm “trợ giảng”, gồm các em giỏi công nghệ trong lớp cùng mình hỗ trợ lớp cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng. Khi chưa có chỉ thị 16 “cách ly xã hội”, cô khuyên những em nhà không có điện thoại hoặc máy tính đến nhờ nhà người thân hoặc nhà bạn thân nhất học nhóm. Số lượng học sinh tham gia học online tăng dần, hiện duy trì đều khoảng hai phần ba mỗi lớp.
Khi “sĩ số” tương đối ổn, quá trình học cũng không tránh khỏi sự cố như: học sinh rớt mạng, phải đăng nhập lại mất thời gian, nhiều em dùng điện thoại cấu hình thấp nên chất lượng hình ảnh, âm thanh kém. Có phụ huynh cấm tiệt Internet với con những ngày nghỉ vì sợ không kiểm soát được, khi được khuyên ngồi học cùng con thì bố mẹ báo bận, không tham gia.
“Học online muốn hiệu quả thì ngoài ý thức tự giác của học sinh, cần sự chung tay của phụ huynh, nhưng rất khó để có được điều này với tất cả lớp. Dù đã dạy online, tôi luôn xác định sẽ phải dạy lại nếu hết dịch”, cô Huyền chia sẻ.
Cũng theo cô Huyền, việc dạy học trực tuyến được thực hiện trong bối cảnh bị động, do đó nhiều giáo viên và các trường chưa sẵn sàng. Chưa kể, việc chưa có quy định chung về chương trình, thời lượng tiết học, phần mềm, ứng dụng dạy học… cũng khiến học sinh chưa có sự ràng buộc để tham gia.
Cô Nguyễn Thị Thanh Quế, giáo viên Văn trường trường THCS Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP HCM) phụ trách hai lớp khối 9 với hơn 60 em trên ứng dụng Zoom. Chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập nên nhiều học sinh có động lực học hành, nhưng thực tế số tham gia chưa được một nửa.
Là huyện ngoại thành ven biển, nhiều học sinh Cần Giờ hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học tập. Nhiều gia đình Internet chập chờn, trong quá trình học, các em bị thoát ra nhiều lần, không đăng nhập lại được khiến buổi học đứt đoạn, cô giáo vất vả xử lý. Trong tiết học, học sinh tắt camera, phần lớn thụ động, ít tương tác nên cô Quế không kiểm soát được học trò có tập trung hay không.
Ngoài giờ học trên Zoom vào hai buổi chiều trong tuần, học sinh được nhận các bài giảng, bài tập trên ứng dụng Shub classroom. “Do tâm lý học sinh THCS còn ham chơi, thời gian nghỉ quá lâu xáo trộn giờ giấc, quên kiến thức nên việc làm bài tập mang tính đối phó. Chỉ 2/3 học sinh tham tham gia trên Shub classroom và khoảng một nửa nộp bài tập”, cô kể.
Nghỉ tránh dịch, không thể gặp mặt trực tiếp, giáo viên chỉ biết tạo thông báo nhắc nhở qua tin nhắn ở các nhóm chat, không giám sát được thời gian học và làm bài tập của học sinh. “Tôi vẫn cố gắng dạy online dù biết tất cả chỉ là giải pháp tình thế. Sau này khi học sinh trở lại trường, giáo viên vẫn phải quay lại từ đầu để đảm bảo quyền lợi cho tất cả”, cô Quế nói.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới, chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.